Vũ điệu đàn nguyệt trong ÂM VỌNG SÔNG HƯƠNG

Lại nói về tiết mục Vũ điệu đàn nguyệt trên dòng sông sân khấu tại Chương trình Âm vọng sông Hương.
Đây là tiết mục được khán giả đánh giá cao.
Làm về Huế, không thể không có dấu ấn của Phật giáo.
Tôi thiết kế kịch bản buổi sáng trên sông Hương, mặt trời lên, dưới mái cong của ngôi chùa, các nhà sư đi quyền. Xa xa là các võ sinh đang luyện võ. Trên nền giai điệu của bản nhạc độc tấu đàn nguyệt Cảm xúc quê hương.
Nhưng như thế có vẻ cũng chưa đủ.
Từ cảm khái tinh thần qua động tác đi quyền và những động tác võ thuật trình diễn mềm mại, cần một cái gì đó nữa, như hiện thân của tinh thần sống, thần thái sống, và tôi viết thêm về kịch bản múa đàn nguyệt này.
Tôi và vợ chồng NSND Kiều Oanh là bạn bè hàng chục năm nay.
Nhật Hạ, con gái duy nhất của anh chị là biên đạo múa trẻ, có tài.
Nhật Hạ vẫn luôn gọi tôi là ba, xưng con.
Tôi nói với Nhật Hạ về nội dung múa, chính xác là cần một sự chuyển động hình thể của 40 diễn viên múa với cây đàn nguyệt trên tay, lượn, bay, chuyển động, đắm say trên sân khấu nước. Không cần những động tác quá khó, không cần ngôn ngữ múa quá phức tạp và cách điệu, chỉ cần sự chuyển động, chỉ cần sự đồng đều về tuổi, về hình thể, chỉ cần chú ý tận dụng tối đa màn nước để tạo sóng, tạo những màn tung bọt nước...
Tất cả những diễn viên múa hoặc biết múa ở Huế đều được sung quân cho chương trình khai mạc, bế mạc Festival.
Tôi nói với trợ lý Thu Hương của tôi, chúng ta không có nhiều tiền để mang 40 nữ diễn viên múa chuyên nghiệp từ Hà Nội vào. Thu Hương bay vào Huế và tìm kiếm, 40 em diễn viên múa này hoàn toàn không chuyên, biết múa cho các lễ hội, đám cưới, chưa được đào tạo chính quy. Tìm được 40 em đã mừng lắm, nhưng Nhật Hạ thì lo lắng mất ăn mất ngủ.
Tôi và Nhật Hạ nói với nhau rất nhiều về hình thức múa, hình thức chuyển động, hình thức kết cấu bố cục theo giai điệu âm nhạc.
Các em cũng không thể tập theo ngày, mỗi ngày chỉ có thể tập từ 5g đến 7 giờ tối.
May mắn, các em rất trẻ, các em có lửa, các em tận tuỵ, nên chỉ sau 4 buổi tập là đã thấy đường nét, yên tâm. Thu Hương cũng đã chuẩn bị đủ đạo cụ đàn nguyệt ngay từ buổi tập đầu tiên. Với các diễn viên múa không chuyên, chắc chắn phải tập với đạo cụ có sẵn.
Sau khi định hình xong tiết mục, tôi mới nói với Nhật Hạ, ba cần con solo.
Nhật Hạ hơi bất ngờ về đề xuất này.
Tôi không nói sớm để Nhật Hạ tập trung, ngay từ lúc quyết định cho Nhật Hạ biên đạo, tôi đã có kịch bản cho Nhật Hạ solo.
Một sân khấu nước lung linh, một dàn múa trẻ, thần thái tươi tắn, một seri phục trang váy trắng chạm gót do nhà thiết kế Lan Hương kỳ công thiết kế và thực hiện, những đường nét chuyển động múa giản dị nhưng thu hút của Nhật Hạ, những động tác máy quay thần thánh của ekip truyền hình, tất cả hợp sức mang tới khán giả một tiết mục đáng xem.
Tôi luôn nói với ekip của mình, chúng ta làm chương trình 90 phút nhưng phải là phép cộng của từng giây , chúng ta phải quý trọng thời gian của khán giả, tôn trọng khán giả, nếu còn gì chưa tốt là do chúng ta chưa đủ tài, chưa đủ kinh phí, thời gian chứ không phải vì ý thức nghệ sĩ.
Trước các buổi tập, diễn, tôi trực tiếp xuống sân khấu nước, rà kỹ mặt sàn, bảo đảm chắc chắn rằng, mặt sàn đủ điều kiện tuyệt đối cho các diễn viên thể hiện.
Với vợ chồng NSND Kiều Oanh, họ có quyền tự hào về con gái Nhật Hạ tài giỏi và xinh đẹp.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CHUẨN BỊ CHẤT LIỆU SÂN KHẤU VÀ ĐẠO CỤ CHO CHƯƠNG TRÌNH " A LÔ! LÈN HÀ"