NGỒI IM Ở QUÊ NHÀ.

Thường, mỗi khi xong công việc ở đâu đó, tỉnh này, thành phố kia, tôi lại nhanh chóng về nhà mình ở quê. Về và ngồi im trong nhà. Mỗi tuần đi chợ 1 lần. Mỗi ngày vào chiều muộn thì xuống biển tắm. Chỉ ra nhà hàng ngày là xuống biển, còn nữa ngồi im trong nhà, đọc sách hoặc viết hoặc trà lá, lên mạng đọc lung tung lang tang, thi thoảng rời nhà vì có việc không đặng đừng, còn lại ngồi im.

Vì thế, khi xảy ra dịch dã, tôi không mấy khó khăn hòa nhập “ngồi im”.

Rảnh, tôi cứ lọ mọ đi tha thẩn dọc các triền cát ven biển.

Nhìn cát, ngắm cát, ngắm phi lao, ngắm những dấu chân người trên cát, ngắm cả những cụm hoa muống biển, ngắm hoa lông chông xô nhau chạy, ngắm những gốc phi lao già sần sùi, nói chung là thả lỏng hoàn toàn, đi hoặc ngồi, hoặc chơi với cát, và ngắm đủ thứ, thả lỏng, yên ổn.

Đợt này ngồi nhà cả tháng.

Ngồi im trong thanh tịnh, cùng sách, cùng cát, cùng biển.

Tiếc là tuần nay người ta cấm biển, nên chỉ xuống, ngồi trên bờ, không tắm, hoặc đi sâu vào trong rừng phi lao còi cọc ở cát, lang thang chơi, chỉ có tiếng gió thổi vi vu trên cành phi lao, xa hơn chút là tiếng sóng biển, chả nghĩ gì nhiều, ra chút với cát, với biển sau một ngày ngồi im thôi, hít thở khí trời trong lành và đổi mắt nhìn, đổi gió.

Đôi khi tôi cũng chả mấy quan tâm đến đồ ăn thức uống. Siêng thì tự đi chợ mua rau mua cá, đợt này đa số F0 Quảng Bình đều là các chị, các cô bán cá, nên cũng ngại. Có gì ăn đó, gọi cơm gà kho, cơm hộp cũng có những dịch dã quê nhà căng nên cũng ngại. Khi mình không quan tâm nhiều đến việc “ hôm nay ăn gì” thì hóa ra lại rất dễ ăn, chút cá khô rang mỡ, chút miếng bầu xào xâm xấp nước, chút nước mắm chế với gừng, tỏi…hoặc chỉ là tô mỳ tôm…ăn được hết, vui vẻ, yên ả, chả thấy phiền, thấy thiếu thốn gì.

Ngồi im thì có cách để ngồi im cho dài, bày việc ra làm, đặt chỉ tiêu đọc bao nhiêu sách, viết cái gì, mỗi ngày viết mấy trang, thong thả vậy thôi, không nhanh, không chậm, khi mình không ngồi đếm giờ cho hết ngày thì từng ngày qua đi nhanh lắm, tự làm cho mình bận thêm, thậm chí ra vẻ rất bận, tâm lý thôi, nhưng vui và yên ổn.

Lại mở bản thảo ra đọc, chỉnh sửa.

Rồi đọc được bài viết về cát, lâu lâu rồi, thể này:

…..”Những hạt cát quê tôi như những khối thạch anh nhỏ xíu, ba cạnh, bốn cạnh, năm bảy cạnh và trắng lắm, trắng tựa gì nhỉ, như mạ tôi hay ví von, trắng như nước mắt. Hạt cát sắc cạnh ấy nhỡ vào mắt có thể làm sây sát, sưng tấy, đỏ hoe. Vài hạt cát thô ráp, nhọn sắc kia có thể làm chầy da, làm tổn thương thân thể. Nhưng khi cả triệu triệu hạt cát bên nhau, thành lớp, thành mái cát, thành động cát, thành doi cát, ta đặt bàn chân lên thấy êm ru, thấy mát tươi, thấy mềm như lụa. Ơ. Hóa ra những nỗi đau, những tổn thương, những số phận sắc nhọn nếu đứng một mình đôi khi gục ngã, đôi khi bị loại bỏ, đôi khi bị oan nghiệt, nhưng đứng hết bên nhau, lớp lớp bên nhau, như ngàn vạn cái cực, cái khổ, cả làng, cả thôn, cả xã dân tôi bên nhau, cái khổ xếp bên nhau, cứ thế, thì hình như không còn cái khổ nữa mà nỗi đau mềm lại, sự cực nhọc mềm lại, thân phận thua thiệt mềm lại, mềm hết lại như mái cát, để rồi làng trên xóm dưới, ùa òa tiếng cười, đạp trên nỗi cực khổ mà cười, mà nương tựa nhau như những hạt cát, thành sức mạnh, thành chí hướng, thành bờ lũy, chống lại cái cực, chống lại thân phận nghèo khó, chống lại những thua thiệt, cả ngàn ngàn con người quánh lại với nhau như thế, như cát thế, còn sợ chi bom đạn, sợ chi giông bão, sợ chi tai ương. Ba tôi, mạ tôi, dì tôi, cậu tôi, anh tôi...bà con làng xóm của tôi và cả tôi- những hạt cát NGƯỜI bên những hạt cát NGƯỜI, qua ngày, qua năm, tầng tầng lớp lớp trường tồn mãi như những động cát kia kìa. SỐNG.

Trên cát là phi lao. Những cây phi lao trên cát quê tôi là những cây lạ. Thân cây mọc không cao, cũng không thẳng. Gió bão chà đi xát lại, nắng nóng nung chín cả vỏ cây. Có lẽ thế, những thân cây phi lao như lưng những cụ già, da dẻ sần sùi, thân cuồn cuộn thành từng khúc, từng đụn, nhìn gân guốc, nhìn vừa thấy thương vừa thấy kính phục cái sức chịu đựng bền bỉ, gan góc, chai lỳ trước sự khắc nghiệt tột đỉnh của môi trường và khí hậu. Có những gốc phi lao chỉ còn sót lại mấy chỏm lá xanh, còn nữa là thân cành, còng queo, đầy thương tích qua nhiều lần gãy đổ, nhưng rễ cây thì choãi ra, vươn dài, bám sâu trong cát. Có những gốc phi lao chồng chất mấy gốc phi lao liền, cây này trồng nối cây kia, nhiều thế hệ cây cùng chung một gốc, đó là dấu vết của bàn tay con người trồng phi lao chắn cát, trồng đi trồng lại, cây này chết trồng cây khác, những cây tưởng chết lại cố sống, thành ra mới xuất hiện nhiều gốc phi lao mọc chen nhau ở một nơi. Những thân cây phi lao già bao giờ cũng lấm lem cát. Những hạt cát bay tới chen vào lấp đầy những vỏ cây sần sùi, khô cháy. Có những gốc cây già quá thì chết. Người làng đào những gốc cây ấy về làm củi đun. Có những buổi trưa, thời bé, tôi đi học về gọi mạ không thấy. Chạy ra sau cát. Từ xa, đã thấy tấm lưng cong gập của mạ với cái cuốc chim mòn vẹt trong tay, mạ hì hục đào những gốc cây phi lao chết về làm củi. Mạ gầy gò, da dẻ sần sùi như vỏ cây phi lao già, hai bàn tay chai sần, run run nâng cán cuốc bổ mạnh xuống thân cây. Mỗi lần thế, những giọt mồ hôi của mạ rơi xuống theo, tan khô trên cát.

Rượu Ba Đồn nổi tiếng đã hàng trăm năm nay. Ba Đồn chỉ là địa danh thị trấn quê tôi. Còn cái mảnh làng tạo ra được thứ rượu nổi tiếng ấy là làng Quảng Long kề sát thị trấn. Con gái Quảng Long uống rượu giỏi mà nấu rượu cũng tài. Nghề nấu rượu còn là thứ nghề cứu đói. Con trai làng khác thèm rượu, lấy gái Quảng Long về để có rượu ngon uống nhưng bất thành. Con gái Quảng Long theo chồng đi làm dâu, không còn nước trong cát, không còn men của cát thì cất nồi rượu nào cũng dở. Làng rượu Quảng Long đặc biệt vậy nên mới sinh ra người làng Quảng Long tính cách cũng đặc biệt: Con trai thì mạnh mẽ, nóng nảy, nói to làm lớn, lúc nào cũng hừng hực máu nóng nhưng lại thật thà, chí tình, con gái thì đôi mắt lúc nào cũng lúng liếng, đung đưa, dễ cảm, dễ yêu, dễ say. Làng Quảng Long nằm sát chân triền cát trắng, dáng vẻ của làng cũng thin dài như hình chai rượu. Rượu ở đây trong suốt, nếu cầm chai khẽ lắc thì sủi bọt li ti, người ta gọi là rượu bọt. Đó là thứ rượu tuyệt ngon: Vừa rút nút chuối chai rượu ra, hương rượu đã lan tỏa thơm nồng, hương thơm trĩu vào cảm xúc người bởi thứ men ngòn ngọt, lơ lững, nói kéo đến thèm. Có lẽ vậy nên mỗi lần uống, người ta chép chép ở miệng mấy lần cho thấm cái chất men tê dại và quyến rũ kia. Rượu Ba Đồn uống vào một chút ngọt lừ, thơm tươi ở mũi, uống chút nữa thì chất men quấn quýt lấy người, níu lấy từng giọt rượu, dẫn dắt dòng rượu len lỏi khắp ngõ ngách cơ thể, nồng ấm, phấn khích, bãng lãng cơn say vô hồi. Uống quá độ một chút thôi thì cơ thể như đung đưa, mắt nhìn cái gì cũng lung linh, khẩu khí trở nên cuống quýt và tiếng cười cũng từ đó mà xô giạt cả ngọn cây phi lao dọc bìa làng. Về làng, gặp chuyện vui là uống với nhau vài cốc rượu, buồn khổ cũng vịn vào cốc rượu để đứng lên để vượt qua...Trai gái yêu nhau cũng nhờ vào cốc rượu để đủ tự tin nói lời thề thốt. Rượu ngon nhờ nước. Nước mạch ngầm trong leo lẻo quanh năm tứa ra từ thẳm sâu những đồi cát trắng, thứ nước mát lạnh , như được chắt ra, vò xoắn ra bằng sự vật vã quay cuồng của những động cát chang chang nắng đỏ.

 Hóa ra dưới những điệp trùng cát trắng bỏng rát kia còn có những mạch nước nhỏ, âm thầm chảy làm dịu nắng, dịu khát, mát rượi nắng hè. Hóa ra, cát trắng Quảng Bình chịu bao nhọc nhằn, khát cháy để cố giữ cho từng mảnh làng, từng con người ở đây những giọt nước mát lành, ngọt như ánh mắt con gái. Hóa ra, dưới cát lại còn có nước, dưới cái khắc nghiệt có cả sự dịu ngọt, dưới sự cháy bỏng còn có sự mềm mại, thơ mộng. Như Quảng Bình vậy, ẩn sau bao sự khó khăn nghiệt ngã, bao gian nan vất vả, bao gian truân cay cực lại đang có những con người của cát, can đảm, anh hùng, chịu thương chịu khó, mỗi người như hạt cát, trăm ngàn hạt cát làm nên một chính danh cho quê hương.

 Có một câu hát khi cất lên làm ai cũng nao lòng: Sông vẫn chảy trong ta / Núi cứ lớn trong ta /Đi xa càng muốn về / Khổ đau càng muốn về... Câu hát ấy như nói thay được tấm lòng và tình cảm của những người nghệ sĩ đối với quê hương của mình, khi mà hình ảnh thân thương của đất Mẹ lúc nào và bao giờ cũng dâng ngập trong tâm hồn người cầm bút, mãi mãi là cảm hứng sáng tạo của người cầm bút không bao giờ vơi cạn.

 

Ngày ba mạ tôi mất, huyệt cát chôn ba mạ bên chân tôi, cảm giác người sống và người ra đi sao gần quá, gần tới mức hình như cái chết không tồn tại ở miền cát này, chỉ có sự sống nối sự sống, sự sống trên cuộc đời vẫn liên kết, nối mãi với sự sống dưới cát kia, khăng khít, thương yêu, mãi mãi trường tồn như vậy. Vì thế, ở làng cát quê tôi, cái chết là cách đã đến lúc người ta đi vào cát thôi, đi sâu vào cát thôi, thế thôi, chứ không phải chết.

Tôi tin như thế….”…

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CHUẨN BỊ CHẤT LIỆU SÂN KHẤU VÀ ĐẠO CỤ CHO CHƯƠNG TRÌNH " A LÔ! LÈN HÀ"